fbpx

“Trần giật cấp”? “Gạch thông gió”? “Sàn gỗ packê”? Những từ này có nghĩa là gì?

Nếu bạn đã, đang và sẽ có ý định thi công hoàn thiện nội thất cho tổ ấm của mình, hẳn bạn sẽ không ít lần nghe qua một số thuật ngữ như trên. Việc hiểu biết về những thuật ngữ thông dụng sẽ giúp bạn tránh được những bất tiện phát sinh khi trao đổi với các đơn vị thiết kế và thi công nội thất. Từ đó, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong hành trình kiến tạo không gian sống trong mơ.

Trái Xoài Wood đã tổng hợp những thuật ngữ phố biến nhất trong lĩnh vực thi công công trình nội thất, được sắp xếp theo từng danh mục. Chúng tôi cũng bao gồm định nghĩa ngắn gọn và một số hình ảnh minh họa cho những thuật ngữ này, giúp bạn dễ dàng tra cứu và tìm hiểu. Hãy lưu lại bài viết này và nếu không tìm thấy một thuật ngữ nào đó, liên hệ ngay với Trái Xoài Wood để chúng tôi cập nhật thêm nhé!

I. Các loại bản vẽ

Sơ phác / phác thảo (Sketch):

Bản vẽ nháp mà kiến trúc sư hoặc chuyên gia thiết kế nội thất dùng để thể hiện sơ bộ những ý tưởng.

Bản vẽ thể hiện ý tưởng, thường là về phong cách thiết kế, chất liệu sử dụng, và cách bố trí nội thất dựa trên mặt bằng thực tế và nhu cầu của khách hàng.

Bản vẽ phối cảnh (Perspective):

Bản vẽ thể hiện góc nhìn không gian nội thất dưới dạng 3D (3 chiều) giúp khách hàng dễ dàng hình dung.

Bản vẽ mặt bằng hiện trạng (As-built plan):

Bản vẽ 2D nhìn từ trên xuống thể hiện hiện trạng thực tế của không gian.

Bản vẽ mặt bằng bố trí nội thất (Floor plan):

Bản vẽ 2D nhìn từ trên xuống thể hiện vị trí của nội thất trong không gian.

Bản vẽ thi công (Construction drawing):

Bản vẽ thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

II. Thi công trần

Trần thạch cao (Gypsum ceiling):

Kiểu trần được cấu tạo từ tấm thạch cao được gắn cố định bởi một hệ khung liên kết với sàn tầng trên hoặc dầm. Trần thạch cao có hai loại là trần thạch cao khung chìm và trần thạch cao khung nổi.

Trần nan gỗ (Wooden ceiling):

Kiểu trần được cấu tạo từ các thanh nan gỗ hoặc vật liệu giả gỗ.

Trần cách âm (Acoustical ceiling):

Kiểu trần có cấu tạo nhiều lớp với khả năng ngăn cản hoặc làm giảm cường độ âm, thường được sử dụng cho những không gian có nhiều âm thanh như phòng karaoke, quán cafe, phòng thu âm studio,…

Trần giật cấp (Multi-level ceiling):

Kiểu trần có cấu tạo gồm bộ khung và các tấm trần tạo thành các hình khối, với khoảng không hở ở giữa thường được bố trí hệ thống đèn.

Tấm ốp trần (Ceiling panel):

Vật liệu dùng để ốp trần nhằm mục đích trang trí.

Phào cổ trần (Ceiling cornice):

Phần nẹp được gắn ở nơi tiếp giáp giữa trần và tường để tạo điểm nhấn trang trí, thường được làm từ thạch cao, kim loại, nhựa,…

III. Thi công tường

Tường thạch cao (Gypsum wall):

Kiểu tường bao gồm bộ khung và các tấm thạch cao được ghép nối. Tường thạch cao có 2 loại là tường 1 mặt và tường 2 mặt. Tường thạch cao 1 mặt được sử dụng để che phủ khuyết điểm trên tường hoặc làm điểm nhấn trang trí phòng. Tường thạch cao 2 mặt thường được sử dụng để làm bình phong hay ngăn cách không gian thay cho tường gạch.

Quét vôi (Limewash):

Việc sử dụng vôi trắng để quét bảo vệ tường.

Sơn bả (Puttying):

Việc quét sơn kèm theo bột bả để giúp bề mặt tường phẳng mịn, được thực hiện trước khi sơn hoàn thiện cho tường.

Sơn nước (Emulsion painting):

Việc sử dụng loại sơn gốc nước với màu sắc phong phú để sơn hoàn thiện cho tường nhà.

Giấy dán tường (Wallpaper):

Loại vật liệu làm từ vải dệt hoặc không dệt, trên bề mặt giấy phủ lớp vinyl, được sử dụng để dán trang trí cho tường.

Gạch thẻ ốp tường (Terracotta tile):

Loại gạch được làm từ đất nung, khả năng chịu lực thấp nhưng có tính thẩm mỹ cao, thường được sử dụng để ốp trang trí cho tường.

Gạch mosaic (Mosaic tile):

Loại gạch được cấu tạo từ mảng vật liệu gắn kết các viên đá, thủy tinh, gạch men sứ,… lại với nhau.

Gạch kính (Glass block):

Loại gạch ốp trang trí cho tường, được làm từ khối thủy tinh với cấu tạo rỗng bên trong, bề mặt được thiết kế với nhiều kiểu họa tiết khác nhau. Gạch kính có nhiều đặc điểm nổi trội như khả năng cách âm cao, dễ vệ sinh, mang lại tính thẩm mỹ và giữ được sự riêng tư cho không gian.

Gạch thông gió / Gạch bông gió (Ventilation brick):

Loại gạch hình vuông có những hoa văn, họa tiết dạng rỗng giúp lấy sáng, lấy gió, hay trang trí tường.

IV. Thi công sàn

Cán nền (Screeding):

Việc dùng vữa làm phẳng bề mặt sàn, được thực hiện trước khi lát gạch.

Gạch bông (Cement tile):

Loại gạch có thành phần chính là xi măng, bột đá, bột màu, với bề mặt là các hoa văn họa tiết mang tính thẩm mỹ cao.

Gạch ceramic (Ceramic tile):

Loại gạch phổ biến có thành phần chính là đất sét và đá bột, với đa dạng mẫu mã và giá thành phải chăng.

Gạch men (Glazed tile):

Loại gạch có thành phần chính là đất sét, thạch cao, với một lớp men bóng hoặc mờ phủ lên bề mặt gạch.

Đá cẩm thạch (Marble tile):

Loại đá hình thành từ quá trình biến chất của đá vôi, với các đường vân sống động, gam màu trung tính, mang vẻ đẹp sang trọng và trang nhã.

Thảm trải sàn (Carpet):

Thảm trải phủ toàn bộ hoặc một phần sàn nhà, thường được làm từ lông cừu hoặc sợi nhân tạo.

Sàn nhựa giả gỗ (Vinyl wood flooring):

Loại vật liệu lát sàn với thành phần chính là nhựa PVC, bề mặt giả gỗ với khả năng chịu nước tốt. Sàn nhựa giả gỗ có 2 loại phổ biến là sàn nhựa dán keo và sàn nhựa hèm khóa.

Sàn gỗ Packê (Parquet flooring):

Loại vật liệu lát sàn được tạo thành từ những tấm gỗ nhỏ ghép lại với nhau thành các hoa văn hình khối khác nhau.

V. Cửa đi và cửa sổ

Cửa pano (Panel door):

Loại cửa đi với phần cánh cửa được làm từ các tấm vật liệu, với các ô cửa trên bề mặt.

Cửa phẳng (Flush door):

Loại cửa đi với phần cánh cửa phẳng 2 mặt, không có những chi tiết ô cửa.

Cửa kính (Glass door):

Loại cửa đi với phần cánh cửa được làm từ kính. Cửa kính có 2 loại là cửa kính có khung và cửa kính không khung. Khung cửa kính thường được làm từ kim loại như sắt, nhôm,…

Cửa sắt (Steel door):

Loại cửa đi được làm từ chất liệu sắt.

Cửa sắt kính (Steel and glass door):

Loại cửa đi được làm từ khung sắt và pano kính.

Cửa nhôm (Aluminum door):

Loại cửa đi được làm từ chất liệu nhôm.

Cửa nhôm kính (Aluminum and glass door):

Loại cửa đi được làm từ khung nhôm và pano kính.

Cửa lùa / Cửa trượt (Sliding door):

Loại cửa đi đóng mở bằng cách trượt cánh cửa trên thanh ray cửa.

Cửa cuốn (Roller shutter):

Loại cửa gồm nhiều nan song song nối vào nhau bằng các hèm liên kết. Các thanh nan có thể cuốn lồng vào nhau, thường được làm bằng vật liệu nhôm sơn tĩnh điện hoặc inox, có thể đóng mở bằng động cơ hoặc kéo tay.

Cửa chớp (Louver door):

Loại cửa đi với phần cánh cửa tạo thành từ những thanh dẹt xếp song song, chếch nghiêng 45º để cản ánh nắng và không bị hắt mưa. Thiết kế này giúp cửa khi đóng lại vẫn thông gió, tạo ra không gian nội thất thoáng mát.

Cửa sổ cố định / Vách cố định (Fixed window):

Loại cửa sổ dùng để lấy sáng, không mở được, kín gió, thường dùng trong các không gian lớn có tầm nhìn đẹp, hoặc ở các căn hộ chung cư trên cao. Vách cố định có thể được kết hợp với cửa sổ mở được.

Cửa sổ lùa / Cửa sổ trượt (Sliding window):

Loại cửa sổ đóng mở bằng cách trượt cánh cửa trên thanh ray cửa.

Cửa sổ lá sách (Louver window):

Loại cửa sổ với phần cánh cửa tạo thành từ những thanh dẹt xếp song song, chếch nghiêng 45º để cản ánh nắng và không bị hắt mưa.

Tường cửa sổ (Window wall):

Một khoảng tường được gắn cửa sổ toàn bộ, có khung và kính cố định, có thể bao gồm cửa sổ mở ra được.

Cửa sổ nhô ra ngoài (Bay window):

Loại cửa sổ được thiết kế nhô ra ngoài để tạo sự thoáng đãng cho không gian nội thất. Phần nhô ra thường được bố trí băng ghế ngồi để thư giãn và ngắm cảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin liên hệ

» 0938 694 143

» info@traixoaiwood.com

» 483a Nguyễn Thị Thập, Tân Phong, Q.7, TP.HCM

 

Về Trái Xoài Wood

Giới thiệu

Câu hỏi thường gặp

Hướng dẫn thanh toán

Social

 

Giỏ hàng của tôi
Giỏ của bạn trống trơn.

Có vẻ như bạn vẫn chưa đưa ra lựa chọn.